Tin tức

Mách nhỏ cha mẹ cách rèn con tính tự lập

Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy một thực tế là nhiều trẻ đã 5-6 tuổi mà vẫn chưa tự làm được những việc cá nhân như: tự xúc cơm, kéo khóa áo, cất đồ dùng cá nhân,… Đó là kết quả của việc cha mẹ đã tự làm thay trẻ mọi việc, mà không biết mình đã vô hình tước đi của trẻ cơ hội để trẻ tự lập. Những đứa trẻ được bao bọc quá kỹ sẽ luôn ỉ lại, dựa dẫm, nhút nhát, khả năng giao tiếp kém và khó lòng tự lập được trong cuộc sống tương lai. Là cha mẹ, nhất định phải biết được thời điểm nào phù hợp nhất để giúp trẻ thoát khỏi “ vỏ bọc của cha mẹ” thông qua cách dạy con tự lập.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc rèn luyện tính tự lập cho con từ sớm sẽ giúp cho đứa trẻ tự tin, dễ hòa đồng với các bạn và tự làm được những việc đơn giản mà không cần bố mẹ bên cạnh.
Dưới đây là một số gợi ý giúp cha mẹ dạy con tính tự lập:

images

1. Ngủ riêng

Trên thực tế một đứa trẻ 5-6 tháng tuổi đã có thể tự ngủ một mình. Việc ngủ riêng không chỉ giúp trẻ không quá phụ thuộc vào bố mẹ mà còn tạo cho trẻ thói quen tự làm những việc phục vụ bản thân ví dụ như: gấp chăn, đặt gối đúng nơi quy định và biết tự kéo chăn khi đi ngủ. Bên cạnh đó, việc trẻ ngủ riêng sẽ giúp trẻ tự tin hơn giảm bớt tính sợ hãi, từ đó giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống.

2. Khuyến khích trẻ với những việc làm vừa sức.

Những việc làm vừa sức sẽ giúp trẻ dễ đạt được kết quả hơn và trẻ sẽ cảm thấy tự tin, hào hứng làm việc. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tự làm những công việc trong khả năng của trẻ. Đối với những việc làm hơi quá sức của trẻ cha mẹ nên kiên nhẫn, khuyến khích trẻ cố gắng hoàn thành. Khi trẻ đã làm xong cha mẹ nên có những lời động viên kịp thời. Cha mẹ có thể cùng trẻ lập thời gian biểu cho những công việc mà trẻ phải hoàn thành trong một tuần .Với mỗi việc làm của trẻ, cha mẹ đều phải giải thích cho trẻ hiểu đó là một phần trách nhiệm mà trẻ phải làm.

3. Không dễ dàng thỏa mãn những yêu cầu của trẻ

Trẻ nhận càng nhiều thì sẽ càng ít biết quý trọng. Trẻ con rất hay đòi hỏi và tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình. Nếu cha mẹ không xem xét kĩ mà vội vàng đáp ứng yêu cầu của con, trẻ sẽ cảm thấy những yêu cầu của mình dễ dàng đạt được và không biết quý trọng. Do vậy, trong những trường hợp trẻ yêu cầu sự giúp đỡ của cha mẹ, cha mẹ nên xem xét điều đó có quá khả năng của trẻ hay không. Nếu trẻ có thể làm được cha mẹ nên khuyến khích để trẻ tự làm. Nếu cha mẹ giúp trẻ thì nên giải thích cho trẻ hiểu cách làm để lần sau trẻ có thể tự làm được.

Giống như măng tre phải tự tách từng lớp vỏ để vươn mình trưởng thành thì những đứa trẻ muốn tự lập cũng nên tách dần khỏi vòng tay cha mẹ. Đôi khi “tàn nhẫn” cũng chính là yêu thương, là cách để giúp trẻ trưởng thành, tự lập hơn. Chúng ta từng nghe ở đâu đó rằng: những đứa trẻ tự lập cũng là những đứa trẻ hạnh phúc và dễ thành công hơn trong cuộc sống.