Tin tức

HÃY ĐỂ CON TRẺ CẤT LÊN TIẾNG NÓI CỦA CHÍNH MÌNH

Thực tế đã chứng minh, trẻ em có thể làm được tất cả mọi việc, từ những việc bình thường nhất đến những chuyện rất phi thường. Vì vậy, lời khuyên của các nhà giáo dục là các ông bố, bà mẹ hãy thay đổi bản thân, cho con trẻ được cất tiếng nói của chính mình và làm những việc mà chúng có thể.

 

cach-day-con-hoc-hinh-anh-3-e1462271887191

Yêu thương… cũng là một sai lầm

 
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Để trẻ thơ cất lên tiếng nói của chính mình” do trường Ngoại khóa Tomato tổ chức mới đây tại TPHCM, nhà báo Thu Hà, tác giả của cuốn sách Con nghĩ đi, mẹ không biết cho rằng, sai lầm lớn nhất của những người mẹ, đó chính là yêu thương những đứa con của mình. Vì quá yêu con, thương con nên các bà mẹ thường lo giùm con, làm giùm con và cho con quá nhiều thứ. Nhiều khi, sự lo lắng, bảo bọc này lại là để xoa dịu những tổn thương, những thiếu hụt thời thơ ấu của chính người mẹ.

 
Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục IRED, gọi đó là tình thương vô minh, thương con đến mức khiến con mình thành phế nhân. Trong mắt các ông bố, bà mẹ, “con người thường lớn hơn con mình”, tức nhìn con người khác như một con người nhưng nhìn con mình là trẻ con. Các ông bố, bà mẹ Việt Nam cũng thường nói với con mình rằng “ráng học để sau này thành người” nhưng nếu phải định nghĩa thành người là thành như thế nào lại chưa chắc đã có thể nói chính xác.

 

 

Nhà giáo dục Kiran Bir Sethi (một trong mười nhà giáo dục hàng đầu thế giới do Global Teacher Prize bình chọn năm 2011) đến từ Ấn Độ, người sáng lập phong trào trẻ em tham gia thay đổi cộng đồng – Design for change – chia sẻ, mỗi ngày, những ông bố bà mẹ thường nói với con mình rằng, con là tương lai. Và để chuẩn bị cho thành công của con ở tương lai, nhiều người đã bắt con học, đẩy con đến trường với vô số những áp lực về điểm số, thi cử… Vậy nhưng, đây lại là một lời nói dối, một sai lầm. Bởi vì, trẻ em không là tương lai mà chính là hiện tại và có thể làm thay đổi hiện tại. Mỗi đứa trẻ, không phân biệt tầng lớp xuất thân, sinh trưởng trong gia đình giàu có hay nghèo khó, đều ẩn chứa trong mình một siêu năng lực và có thể dùng nó để giúp đỡ người khác, làm thay đổi thế giới. Vấn đề là cần có cách giáo dục để khơi gợi năng lực này, để con trẻ tự làm chủ bản thân mình, vấn đề của mình và hành động theo suy nghĩ, nhận thức của mình. Đây chính là tinh thần “Con có thể”. “Tuổi nhỏ không có nghĩa là thiếu năng lực. Phải để cho các con hiểu rõ rằng không thể thay đổi cuộc đời của bất kỳ ai nếu không thể tự thay đổi cuộc đời của chính mình”, bà Kiran chia sẻ.

 


Thay đổi phải bắt đầu từ chính… cha mẹ

 
Vậy làm điều đó như thế nào khi các ông bố, bà mẹ đã phạm những sai lầm? phải bắt đầu từ đâu? Câu trả lời của nhà giáo dục Kiran là không có gì khó và hãy bắt đầu bằng việc lắng nghe con trẻ, mỉm cười khi chúng làm sai, khuyến khích chúng nỗ lực… Nhưng, quan trọng nhất, các ông bố, bà mẹ phải là hình mẫu của tất cả những gì mà chúng ta hướng đến. Các ông bố bà mẹ muốn dạy con về tình yêu, về sự tử tế, về tính trách nhiệm thì mỗi người phải chính là hình mẫu đó với sự tận tâm, đam mê và kiên trì. Bởi vì, có một nguyên lý rất đơn giản, đó là trẻ con sẽ không làm những việc người lớn buộc chúng phải làm, làm theo những gì người lớn nói mà sẽ hành động theo những gì người lớn làm.

 
Từ trải nghiệm của một người mẹ đơn thân, nuôi dạy hai cô con gái, tác giả cuốn sách Con nghĩ đi, mẹ không biết chia sẻ, để “con nghĩ” và tự chịu trách nhiệm với những hành động của mình như hiện nay, chị cũng đã phải chấp nhận những “tác dụng phụ”, kiểu như con đánh giá thấp mẹ vì cái gì mẹ cũng không biết. Nhưng cái được của bản thân chị, đó là sự tự do. Vì vậy, cha mẹ muốn lắng nghe được con mình thì phải bắt nguồn từ nhu cầu muốn được tự do, tĩnh lặng của bản thân. Chỉ khi các ông bố, bà mẹ tĩnh lặng, quên đi những nỗi sợ hãi, những xao động ngoài cuộc sống bộn bề, bỏ qua những ám ảnh của quá khứ thì sẽ lắng nghe được tiếng nói của con trẻ. Đồng thời với lắng nghe là trao niềm tin về việc con có thể làm được cho con, để con thực hiện, hành động.

 
Ông Giản Tư Trung thì cho rằng, để con trẻ có được tiếng nói của chính mình và cất lên tiếng nói đó thì sự thay đổi phải bắt đầu từ nhận thức. Đó là các thầy cô, cha mẹ cần phải nhìn nhận những đứa con, những học trò của mình là con người chứ không phải là sẽ thành người như lâu nay. Tương tự, cũng cần phải hiểu rằng việc học hành không đơn thuần để đi thi, để lên lớp, để được điểm số, để có một cái nghề mà là để hình thành tính cách mỗi đứa trẻ. Học toán, với những con số, hệ phương trình… dạy trẻ cách đối diện với những vấn đề khác nhau và mỗi người phải chọn cách tối ưu để vượt qua nó. Văn học dạy trẻ biết đồng cảm với thân phận con người, không phải là để “văn hay chữ tốt”… Quan trọng nhất, hãy để cho con là chính mình, có được tiếng nói của chính mình và một cách tự nhiên nhất, tiếng nói đó sẽ được cất lên. “Mọi thứ phải được bắt đầu từ chính những người cha, người mẹ. Tôi có thể, bạn có thể, chúng ta có thể và chắc chắn con chúng ta có thể”, ông Trung bày tỏ.